Phỏng Vấn Ca Nhạc Sĩ - Hà Lan Phương
Từ Tú Trinh thực hiện
Từ Tú Trinh ( TTT ): Mến chào chị Hà Lan Phương. Em xin đại diện cho Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê (HQ), rất hân hạnh có cuộc phỏng vấn với chị Hà Lan Phương.
Trước tiên, em xin cảm ơn chị HLP rất nhiều đã dành thời giờ quý báu đến với HQ, để có cuộc phỏng vấn hầu giúp khán thính giả gần xa vốn đã biết càng biết về ca nhạc sĩ HLP nhiều thêm nữa. Kế đến xin có câu hỏi đầu tiên với chị HLP, xin chị cho biết đôi dòng tiểu sử, sinh quán, trú quán hiện thời cũng như cái tên thật đẹp “Hà Lan Phương" đó có phải là tên thật của chị hay là đó là nghệ danh?
Hà Lan Phương ( HLP ). Mến chào cô Từ Tú Trinh cùng toàn thể ban biên tập HỒN QUÊ, và thân ái gửi lời chào đến toàn thể khán thính giả của HQ.
Trước khi trả lời câu hỏi Từ Tú Trinh, HLP xin kể một câu chuyện thật ngắn về cách xưng hô: “Khi mới gia nhập vào thành viên của Trinh Nữ net, ông xã của HLP là nhạc sĩ Nguyễn Hải gọi các thành viên nữ là các cô bé, sau này phát giác ra có nhiều "cô" đã trên bảy mươi tuổi, mà lúc bấy giờ anh Hải mới 57 tuổi, hì hì ... Từ Tú Trinh có cái tên thật dễ thương mà HLP mường tượng là cô bé nhỏ nhắn xinh xắn và hoạt bát.
Hà Lan Phương tên thật là Vũ thị Phương, sanh quán tại Kiên Giang, năm 3 tuổi theo gia đình lên Sài Gòn; sau năm 1975 rời về Vũng Tàu để mưu tính chuyện vượt biên. HLP mê nhạc và đi hát từ nhỏ, sau này được anh Nguyễn Hải ( phu quân ) khuyến khích và hướng dẫn thêm.
Năm 1995 vợ chồng HLP phối hợp với anh Vũ Văn Sang và một số anh chị em trẻ tuổi tổ chức Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ kỳ 19 tại thành phố Arlington, TX. Trong dịp này có mời anh Nguyễn Ngọc Ngạn về tham dự trong đêm văn nghệ tổ chức gây qũy. Anh Hải đệm guitar thùng cho HLP hát bài Sài Gòn Niềm Nhớ và sau đó đặt câu hỏi anh Nguyễn Ngọc Ngạn lúc bấy giờ khán thính giả xem anh như nhà thông thái: Tác giả bản nhạc là ai? Anh Nguyễn Ngọc Ngạn đã trả lời đúng, tác giả là Nguyễn Ngọc Trọng (dĩ nhiên, Nguyễn Ngọc Trọng là em của Nguyễn Ngọc Ngạn!) đã sáng tác bản nhạc bên đảo tỵ nạn Kuku thuộc Indonesia. Ngoài ra cũng để chuẩn bị cho buổi văn nghệ, Anh Hải đã dùng tên của 3 cô công chúa ghép lại thành tên đi hát là Hà Lan Phương ( Ngọc Hà, Ngọc Lan, Ngọc Phương ).
TTT: Chị HLP có thể cho biết đã học nhạc từ khi nào? học nhạc ở đâu? Lý do nào đã thúc đẩy chị HLP đến với âm nhạc, và ai là người hướng dẫn chị trên bước đường nghệ thuật hay chị tự học lấy từ bản thân mình?
HLP: Hà Lan Phương mê nhạc từ nhỏ, sau này khi lập gia đình được chồng hướng dẫn thêm và chính thức học nhạc tại AUDUBON College ở New Orlean, Lousiana 1981-1982, anh Hải thường khen HLP có nhiều sáng kiến về âm hưởng nên HLP đã chọn ngành sáng tác.
TTT: Xin chị cho biết vì sao mãi đến năm 1994 chị mới bắt đầu sáng tác nhạc, và nhạc phẩm cũng như tác phẩm CD-DVD nào đầu tay, có bao nhiêu CDs, DVDs cho những sáng tác của mình?
HLP: Không phải năm 1994 như Từ Tú Trinh hỏi. HLP và anh Nguyễn Hải viết bản nhạc đầu tiên vào năm 1995, lúc bấy giờ cũng chỉ vì nhu cầu của chương trình văn nghệ gây quỹ của Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ Kỳ Thứ 19 với chủ chương giúp người vượt biên ( SOS ). HLP và anh Nguyễn Hải viết bài Mẹ Tiễn Con Vượt Biên và đã cùng nhau đàn hát trên các đài radio truyền thông của DFW. Hôm nào có dịp sẽ hát lại cho TTT nghe để xin ý kiến về đứa con đầu lòng này. Cũng sau bài nhạc này cùng với sự cổ võ của bạn bè và khán thính giả, vợ chồng HLP đã quyết định viết nhạc và thực hiện nhiều CDs gồm Đời, Đạo, và Tình Yêu. HLP chưa thực hiện DVD nào cả nhưng sẽ cố gắng khi nào khả năng cho phép. HLP sắp cho ra đời thêm 2 CDs Tình.
TTT: Ai là người design hình bìa những CDs của chị?
HLP: Mỗi lần thực hiện CD, HLP tìm người design khác nhau nên không nhớ rõ. Một số CDs đạo ca được anh Tâm Kiến Chánh thực hiện giúp hình bìa, một số do chính HLP thực hiện lấy. 2 CDs tình ca sắp ra đời do Đình Nguyên thực hiện, ngoài ra trong phần quảng cáo CD trong trang website bensongmay.com do cô em gái nuôi, Tiểu Vũ Vi, bên Pháp cũng dễ thương và hoạt bát như TTT vậy giúp thực hiện.
TTT: Về phương diện sáng tác chị HLP nhận thấy sáng tác từ thơ dễ hơn hay tự mình soạn lời dễ hơn, và cái khó khăn là từ nguyên do nào?
HLP: Viết lời cho một bản nhạc do mình sáng tác thì dễ hơn và melody theo ý mình hơn nhưng khó ở chỗ ý nhạc thì phong phú còn chữ nghĩa thì hạn hẹp. Phổ nhạc vào thơ đôi khi gặp những khó khăn vì âm vận bằng trắc của bài thơ đã cố định, nếu sửa thơ thì có thể làm lệch lạc ý nghĩa hay của bài thơ, nếu không sửa thì melody lại không thể theo ý mình muốn được. Thí dụ: có một lần HLP đã sửa 1 câu thơ thế này:
Thuyền không bến đỗ, ý nói sự lông bông của người nam mãi mà vẫn không tìm được mái ấm gia đình, HLP sửa thành bến đỗ không thuyền, khi đọc lại chợt bật cười vì thấy nội dung đã khác hẳn nên đành phải bỏ bản nhạc đi.
TTT: Một điều vi tế hơn là vai trò của nhạc sĩ ( ông xã ) Nguyễn Hải có mức ảnh hưởng thế nào về khả năng sáng tác cũng như dòng nhạc của ( bà xã ) Hà Lan Phương.?
HLP: Lâu rồi anh Hải không viết nhạc tình nữa. Có lẽ sau bài Em Như Con Chim Xanh viết cho HLP; anh nói: Anh không thích viết theo hư cấu được mà chỉ dựa vào hoàn cảnh thực. Ngoài trách nhiệm làm chồng làm cha, anh không muốn cho tình cảm mình phiêu lưu. Thật ra anh viết nhạc tình nghe rất thấm thía như bài Tìm Lại Yêu Thương, như bài Thì Thầm Với Gió chẳng hạn. Bây giờ thì HLP đang tiếp nối dòng nhạc của anh để viết nhạc tình, dù có nhiều sáng tạo nhưng không nhiều thì ít âm hưởng nhạc của anh vẫn ảnh hưởng đến những sáng tác của HLP.
Tìm lại yêu thương
Thì Thầm Với Gió
TTT: Được biết chị HLP sáng tác cả nhạc đạo lẫn nhạc tình, thế thì phân biệt giữa nhạc đạo và nhạc tình, loại nhạc nào dễ sáng tác hơn, và nguồn cảm hứng cũng như tâm tình của chị trong những lần sáng tác cho từng thể loại nhạc ra sao?
HLP: HLP đã có lần tổ chức cho ra mắt những CDs với chủ đề Đạo, Đời, Tình Yêu và được trên 400 khách đến tham dự. Quan niệm của HLP về Đạo, Đời và Tình Yêu chỉ là nhân sinh quan nên không có gì khác biệt cho sáng tác. Những bài thơ có ý nhạc thì thơ đạo cũng có nét thấm thía, còn những bài thơ tình thật trau chuốt nếu không có ý nhạc thì cũng không viết hay được. Xin mời nghe bài hát Tự Hỏi, thơ Mật Nghiêm phổ nhạc HLP.
Tự Hỏi
TTT: Chị HLP có giọng hát thật hay, tại sao chị không hát tất cả những bản nhạc chị và anh Ngyễn Hải sáng tác, mà lại nhờ các ca sĩ khác hát trong những CDs của chị?
HLP: Cảm ơn TTT đã thưởng thức giọng hát HLP, thật ra giọng HLP thích hợp nhất với những âm điệu nhanh và có cường độ mạnh ( anh Hải thường nói trước đám đông HLP có giọng "mắng chồng chửi con", xin nghe Vết Hằn Của Đá, phổ thơ: ĐCCB. Ngoài ra những bài thơ trầm buồn và lắng đọng mà HLP diễn tả, các bản nhạc khác cũng được khán giả yêu thích và mến chuộng như bài Không Còn Mùa Thu của Việt Anh, điệu Boston.
Thường trong một CD, HLP muốn có nhiều giọng hát nam nữ khác nhau để người thưởng thức được thay đổi thính vị, vì mỗi ca sĩ đều có một giọng hát và nét diễn tả khác biệt.
Vết Hằn Của Đá
TTT: Trong tất cả những bản nhạc chị sáng tác, bản nhạc nào chị thích nhất? cũng như bản nhạc nào chị sáng tác nhanh nhất, chậm nhất? chị có thể cho biết nguyên do?
HLP: Nếu HLP trả lời HLP yêu thích bằng nhau tất cả những bản nhạc do mình sáng tác thì có vẻ không đúng lắm, nhưng vì sáng tác nhiều quá và cũng thích nhiều quá nên không biết bài nào HLP thích nhất, hay là HLP xin khán thính giả và TTT chấm điểm cho những bản nhạc cho HLP đi, có nghĩa là TTT thích hộ cho HLP nhé! Trung bình HLP có thể hoàn tất viết 1 bản nhạc trong vòng 1 ngày; thế nhưng còn tùy theo, bởi vì có khi ý nhạc và ý thơ hợp nhất và tuôn ra lai láng thì chỉ trong 1 giờ cũng có thể viết xong bài nhạc. Đôi khi cả 1 tháng hay hơn nữa khi bị tắc nghẽn ở một điểm nào đó. Còn riêng về bài nào viết nhanh nhất hay chậm nhất thì HLP không để ý đến.
TTT: Tình cảm đối với Mẹ chắc là chị HLP trân quý lắm cho nên chị đã ra một CD riêng về Mẹ: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. xin chị chia sẻ thêm điều này.
HLP: Vâng! không riêng gì HLP mà cả TTT và tất cả những người con hiếu thảo, bởi vì danh từ Mẹ đã bao gồm nhũng gì tốt đẹp nhất của thế gian này mà nếu khai triển ra HLP nghĩ rằng ngôn từ không đủ để ca ngợi. HLP đã mất cả Cha lẫn Mẹ hai bên nội ngoại. CD Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười HLP chỉ muốn làm một món quà tặng cho những người con yêu thương Mẹ và CD này không bán chỉ tặng.
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười
TTT: Trong những bài viết về Mẹ đều cảm động, riêng bài nào làm chị xúc động nhiều nhất?
HLP: HLP xúc động nhất khi diễn ngâm và hát Đóa Hồng Dâng Mẹ do HLP phổ nhạc từ thơ: Hồng Phúc. Đó là bài nhạc HLP xúc động nhất, thế nhưng bài hát Mẹ mà HLP thương yêu và cảm phục lại là bài Vì Mẹ Là Thơ Nên Đất Nước Sẽ Hồi Sinh, thơ : Trần Trung Đạo do Nguyễn Hải Hà Lan Phương phổ nhạc và HLP hát. Bài nhạc này có đăng trong trang website: trantrungdao.com và được rất nhiều người yêu chuộng.
Đóa Hồng Dâng Mẹ
Vì Mẹ Là Thơ Nên Đất Nước Sẽ Hồi Sinh
TTT: Trong các bài nhạc phổ thơ, chị thích phổ thơ loại nào - lục bát, song thất lục bát, thơ tự do, v.v. ?
HLP: HLP thích phổ nhạc vào thơ không riêng thể thơ nào cả và cố gắng giữ nguyên văn bài thơ, chỉ trừ khi cần thiết để kết câu hoặc kết thúc bài nhạc. Thường thì những bài thơ có 3 hoặc 4 đoạn sẽ thích hợp để phổ nhạc. HLP sợ nhất là bài thơ quá dài vì nếu trích đoạn chỉ sợ không đủ ý mà tác giả muốn diễn tả.
Theo ý HLP về việc sửa lời thơ của tác giả, nhạc sĩ phổ thơ nên tế nhị hỏi ý của nhà thơ và nếu được sự đồng ý thì tiếp tục, nếu không thì yêu cầu nhà thơ đó tìm câu thơ khác cho thích hợp với cung nhạc. Cũng trong việc này HLP xin kể một câu chuyện nhỏ về sửa thơ của một nhạc sĩ bên VN xin được giấu tên:
Cách nay khoảng 3 năm HLP có phổ nhạc vào thơ: của Phan Đình Ngọc Cẩm, bài Gọi Bỉển và giữ nguyên văn, xin nghe Đình Nguyên hát trong CD Cũng Một Thời. Có một nhạc sĩ bên VN cũng phổ bài này và sửa đổi lời thơ. Ông ta đã sửa một câu thơ thật hay thành một câu thơ thật bình thường, nhưng khổ nỗi lại viết thư cho Phan Đình Ngọc Cẩm nói rằng phải sửa thơ như vầy mới đúng ý nghiã. HLP xin phân tích hai câu thơ:
Nguyên văn:
Có bao giờ biển tự hỏi lòng chưa?
Mà sóng cứ đẩy thuyền trôi xa mãi.
Phan Đình Ngọc Cẩm đã thật tài tình nhân cách hóa một cách trừu tượng biển như người tình đã không biết tự hỏi lòng để sóng ở đây là nguyên nhân khiến cho cuộc tình càng ngày càng xa cách.
Ông nhạc sĩ đã sửa thơ thế này:
Có bao giờ sóng hỏi biển chưa?
Mà lại đẩy thuyền trôi xa mãi.
Câu thơ trên trở thành bình thường như người đầy tớ không hỏi chủ mà tự ý làm sai …
TTT: Thường thì chị phổ nhạc từ thơ xong rồi chị mới hỏi ý tác giả của bài thơ hay ngược lại?
HLP: Theo quan niệm riêng của HLP thì chia ra làm 2 vấn đề.
Thứ nhất: khi phổ nhạc một bài thơ của thi nhân với tính cách nghệ thuật và văn nghệ và nếu không sửa đổi lời thơ thì không nhất thiết phải xin phép nhà thơ đó, nhưng phải ghi rõ tên tác giả bài thơ vào bài nhạc. Tác giả bài thơ chắc chắn cũng hiểu rằng bài thơ đã được đăng ra công chúng thì mọi người có quyền ngâm, có quyền đọc và có quyền hát, ngoài ra càng nhiều người biết đến thì bài thơ càng nổi tiếng.
Thứ hai: Dùng thơ của thi sĩ viết nhạc với mục đích kinh doanh thì phải xin phép và đôi khi phải hợp đồng.
Ngoại lệ: Trong một số websites như trinhnu net chẳng hạn, những thi sĩ thành viên đều hiểu rằng thơ được đăng trong đó thì những nhạc sĩ thành viên có quyền phổ nhạc bởi vì đã có những mã số liên kết tự động giữa những bài nhạc và bài thơ.
TTT: Thời gian qua chị sáng tác nhiều thể loại nhạc: vui, buồn, dạ vũ, v.v. Hình như thể chị đang thử tìm cho mình một hướng đi, cho mình một phong các sáng tác, vậy thì chị đã tìm thấy được lối riêng cho chính mình chưa?
HLP: Trước khi bằt đầu sáng tác HLP là ca sĩ và đã từng hát cho nhiều ban nhạc của thành phố DFW. Là một ca sĩ chuyên nghiệp thì phải biết hát và diễn tả mọi nhịp điệu và mọi thể loại. Cũng vì vậy khi chuyển qua sáng tác, HLP sáng tác mọi thể loại bao gồm cả dân ca cải cách 3 miền: Chút Tình Với Huế, phổ thơ: Phạm Ngọc, viết theo giọng Huế; Bắt Đền Anh, thơ: Phạm Ngọc, viết theo giọng miền Nam; Thủy Tiên Quan Họ, thơ: Phạm Ngọc, viết theo giọng miền Bắc. Những bản nhạc này có ảnh hưởng tây ban cầm và piano, cũng như âm hưởng nhạc cổ điển tây phương. HLP cũng sáng tác những bản nhạc có âm điệu tiền chiến: Bên Tiếng Guitar, thơ: Minh Châu; Em Về Bên Phím Đàn, thơ: Việt Hải; Bên Phím Dương Cầm, nhạc và lời HLP. Ngoài ra để tạo đủ thể điệu cho những CDs dạ vũ, HLP đã viết và thay đổi nhịp điệu cho phù hợp, xin nghe CDs Dạ Vũ Tóc Mây và Dạ Vũ Cho Tình Nhân. Nói tóm lại HLP chỉ muốn thưa cùng khán thính giả, theo ý HLP một nhạc sĩ viết nhạc nên tùy theo tâm tình của mình mà diễn tả bài nhạc, và muốn vậy thì phải thay đổi nhịp điệu cho phù hợp. HLP cũng hiểu rằng có một số nhạc sĩ chỉ lựa chọn một nét nhạc duy nhất để viết như blue, jazz, pop chẳng hạn; nhưng đó là ý thích riêng của mỗi nhạc sĩ. Kết luận: hướng đi của HLP là đa dạng.
Chút Tình Với Huế
Bắt Đền Anh
Thủy Tiên Quan Họ
Em Về Bên Phím Đàn
Bên Tiếng Guitar
Bên Phím Dương Cầm
TTT: Thế 3 ái nữ yêu quý của anh chị có ý định theo gót văn nghệ của ba mẹ không thưa chị HLP?
HLP: Ngọc Lan và Ngọc Phương khi bước vào đại học thì chọn ngành nghề chuyên môn và mặc dù yêu âm nhạc nhưng chỉ yêu nghe thôi ( nhạc Mỹ ). Ngọc Hà thích và học đàn piano từ năm 4 tuổi, bây giờ đã 23 tuổi rồi vẫn đàn và cũng có sáng tác, nhưng vì bận rộn việc học nên chưa thực hiện CD nào cả. Ngọc Hạ có giọng hát rất hay.
TTT: Nếu nói về niềm mong ước, thì xin hỏi chị HLP có niềm mong ước tiếp tục gì cho ngay bây giờ và cho cả mai sau?
HLP: Ước mong của HLP rất nhỏ, HLP hát nhạc và viết nhạc trước hết là để thoả mãn cho chính niềm yêu thích của mình, sau đó cho bạn bè và khán thính giả. Nghệ thuật không thể chấm điểm bởi vài cá nhân, bởi sự tuyển chọn của những trung tâm băng nhạc mà được đánh giá bởi toàn thể khán thính giả vì vậy cần có thời gian để mọi người biết đến. Hiện tại những CDs đạo ca của Nguyễn Hải HLP đã được rất nhiều phật tử trên thế giới yêu chuộng. Những CDs tình ca của HLP được đăng trên nhiều trang websites và đón nhận nhiều cổ võ của mọi từng lớp. Tóm lại ước ao duy nhất của HLP vẫn là những dòng nhạc của mình được tiếp tục chấp cánh đến khán thính giả để chia sẻ theo từng trạng huống bằng âm giai và cung nhạc.
TTT: Câu hỏi chót xin dành cho chị HLP : Chị có thể thổ lộ chút kỷ niệm vui buồn trên bước đường sự nghiệp cũng như có tâm tình gì muốn nhắn nhủ cùng độc giả, khán thính giả khắp nơi?
HLP: Thời gian trước đây khoảng 5 năm, khi Trinh nữ net còn phần ý kiến bạn đọc, mỗi lần HLP đăng một bài nhạc phổ thơ thì các bạn thơ đăng ý kiến tới tấp và hầu hết ý kiến nào cũng khen ngợi, đủ mọi cách khen ngợi nhất là các cậu thi sĩ trẻ. Lúc bấy giờ HLP rất được lòng các thi sĩ thành viên Trinh nữ net và cảm thấy rất là hạnh phúc. Những lời khen đôi khi lên quá đáng mà HLP thì thật thà nên chỉ biết thích thú; thí dụ có người mang nhạc HLP so sánh với Phạm Duy, với Trịnh Công Sơn, Đức Huy và nhiều nhạc sĩ thành danh khác. Sau này có lần nghe anh Hải nói chuyện với anh Phạm Thông, chủ nhiệm báo Con Ong, HLP chợt giật mình hiểu ra là cũng trong thời gian đó HLP đã bị ganh ghét và đố kỵ của một số nhạc sĩ thành viên khác trong Trinh nữ net. ( nếu tôi muốn hại anh tôi sẽ không chê nhạc anh dở mà sẽ khen nhạc anh hay và đem so sánh với nhạc của Beethoven, của Mozart chẳng hạn ) ( lời anh Phạm Thông ). Từ kinh nghiệm này HLP thành thật và mong mỏi đón nhận những chỉ điểm từ các bậc lão thành để học hỏi thêm, và xin hoan hỉ lắng nghe lời thật của mọi từng lớp khán thính giả, cũng như bạn bè.
Sau cùng HLP cảm ơn Từ Tú Trinh, cảm ơn ban biên tập và khán thính giả của NGUYỆT SAN VĂN HÓA DÂN TỘC HỒN QUÊ - đã cho HLP có dịp được giải bầy tâm sự của mình. Cảm ơn đời đã cho HLP có chất giọng để hát và có ý nhạc để viết phục vụ đồng hương . HLP cũng không quên cảm ơn ông xã Nguyễn Hải, người đã giúp HLP trên con đường sự nghiệp âm nhạc.
TTT: Lần nữa, Từ Tú Trinh xin thay mặt Hồn Quê, chân thành cảm ơn anh chị ca nhạc sĩ Nguyễn Hải – Hà Lan Phương thật nhiều, đã bỏ thời giờ quý báu để tận tình đóng góp hoàn thành bài phỏng vấn này, tạo cơ hội cho mọi người mong mỏi biết thêm về tác giả cùng vốn liếng tài năng, cũng như nguyện vọng của anh chị. TTT xin chúc anh chị nhiều thành công và lời ca tiếng nhạc của anh chị ngày càng bay xa - anh chị thân mến nhé.
Từ Tú Trinh
Xin mời ghé xem thêm các tài liệu về ca nhạc sĩ Hà Lan Phương:
halanphuong.net
halanphuong.org